Wednesday 26 December 2012

Những chuyến đi rừng (phần 1)

"Take me to the forest, take me to the trees
 Take me anywhere as long as you take me
 Take me to the ocean, take me to the sea
 Take me to the Breathe and BE"

Tôi bắt đầu những chuyến bushwalks với Anka, cô bạn người Đức ở cùng nhà. Hồi còn ở quê, tôi có vài lần leo lên đồi, hoặc lên núi nhưng chưa bao giờ đi sâu vào trong rừng. Rừng, trong hình dung của tôi, luôn bí ẩn, đẹp đẽ nhưng cũng đầy bất trắc, nguy hiểm rình rập. Do vậy khi Anka rủ đi bushwalk, tôi vừa thích thú vừa ngại ngần. Rừng ở Úc ít khi được gọi là forest hay woods, mà nó thường là bush, đôi khi nó là hill, lúc khác là mountain, có khi là landtree hay National Park. Đại loại, cứ chỗ nào nhiều cây thì tôi gom lại thành bush tuốt.

Đường đi trong rừng được thiết kế khá tốt, phù hợp với nhu cầu dã ngoại và thể dục của người dân bản xứ cũng như khách du lịch. Có nhiều chặng đường rừng được thiết kế theo mức độ dễ, vừa, khó nhưng cơ bản là khá an toàn. Có các tour ngắn, khoảng 5-7km, hay 9-12km thường đi trong ngày, cũng có tour dài 20-40km cho vài ngày picnic cắm trại. Thường thì tôi hay chọn tour mức độ trung bình, khoảng 10km vừa đi bộ vừa leo núi, độ cao từ 400-600m, xem như một món thể dục bổ ích cho ngày cuối tuần. Bạn đồng hành những chuyến đi rừng và đi dọc bờ biển của tôi thường là Anka, Bigi và Bian, cả ba đều là người Đức. Những chuyến đi đường trường thế này thực sự rất khó kiếm bạn, hầu hết các bạn gái Á châu của tôi đều đi giày cao gót hoặc giày búp bê xinh xinh, thích thú dạo phố, ăn uống và mua sắm hơn là những món dã ngoại có phần vất vả này.

Tôi vào rừng, cùng với một ba lô gồm bánh mì cho bữa trưa, hoa quả, nước uống, và kem chống nắng, nếu đi đường xa thì tôi mang theo một cuốn sách để đọc trên tàu xe. Thường thì chúng tôi phải bắt xe buýt tới ga trung tâm, sau đó thì bắt tàu, tầm khoảng 1-2 tiếng đồng hồ nữa. Đến giờ tôi vẫn nhớ rõ cảm giác về chuyến leo núi đầu tiên với Anka. Đầu tiên, chúng tôi leo lên một ngọn đồi cao khoảng 350m, trên đỉnh đồi có đó có một ngọn hải đăng rất đẹp. Mới lên được vài đoạn dốc, tôi đã thở hồng hộc, chân mỏi đến nỗi chỉ muốn khuỵu xuống. Thế nhưng, khi đã lên đến lưng chừng đèo, cái mệt mỏi gần như tiêu tan khi từ những khúc cua uốn lượn chúng tôi phóng tầm mắt nhìn ngắm những hòn đảo xa xa, những cánh chim chao liệng trên bầu trời và thuyền buồm ngả nghiêng trong gió. Chuyến đi đầu tiên ấy, với tôi, quả là một kì tích. Tôi vượt qua rất nhiều ngọn đồi, cả lúc đi lên và lúc đi xuống đều không dễ dàng chút nào. Hôm đó là một ngày mùa đông nhưng trời rất nắng, lên được đỉnh đồi thứ 3 thì chúng tôi hết cả nước uống, tôi mệt và khát khô. Trong túi tôi còn mỗi một hộp nho be bé, nhưng nhờ nó, tôi phục hồi thể lực và hoàn thành được chặng hành trình 10km leo núi đầu tiên của mình. Tôi thực sự hạnh phúc khi lần đầu tiên được ngồi hàng giờ trên đỉnh núi đắm đuối nhìn ra biển cả xa xa, buông lỏng cơ thể và để mặc cho đầu óc hoàn toàn trống rỗng. Và càng hạnh phúc hơn nữa khi trên đường về, tôi thầm nghĩ, leo núi, việc này khó đây, nhưng tôi có thể làm được, suy nghĩ mình có thể làm được một điều gì đó thật là dễ chịu không còn gì hơn.

Chuyến đi thứ 2 của tôi đã có vẻ nhẹ nhàng hơn. Lần này, chúng tôi thực hiện khoảng 11km leo núi, chỉ mất khoảng 4h đồng hồ, nhưng lại tiêu tốn khá nhiều thời gian trên các phương tiện công cộng. Chúng tôi bắt 2 lượt xe buýt, mất gần 2 giờ đồng hồ và sau đó còn phải thêm một chặng nữa khoảng 30 phút bằng ferry đến một bãi biển tên rất ngộ nghĩnh, "bãi cá thu". Từ đó, chúng tôi bắt đầu chặng hành trình leo núi. Ở chuyến đi này tôi thích nhất là sự kết hợp giữa rừng và biển. Có lúc chúng tôi mất hút vào giữa đám cây cối um tùm, lúc khác, con đường vòng vèo lại dẫn ra bên mé sườn sát biển, và từ đó, tất cả thế giới xung quanh đều là màu xanh, xanh trời, xanh biển, xanh rừng, xanh núi. Nước biển dưới chân đồi, do bóng cây đổ xuống, hoặc do tảo biển, khi gặp ánh nắng mặt trời tạo thành một màu xanh rất đẹp, từa tựa như màu ngọc bích. Bigi gọi tôi là “tín đồ của màu xanh”, mỗi lần gặp cái màu xanh khó tả ấy, cô ấy lại quay sang nhại cái điệp khúc yêu thích của tôi mỗi lần ra biển “Cho tôi chết vì màu trời xanh này, cho tôi chết vì màu biển xanh này” làm cho cả ba chúng tôi cười như nắc nẻ.

Và cứ thế chúng tôi đi, băng qua những ngọn đồi, những triền núi cheo leo nhìn ra đại dương, cho khi lên đến đỉnh núi, nhìn ra ba bề bốn phía xung quanh, không ai thốt lên nổi lời nào. Phía trước mặt là một ngọn núi với ngọn hải đăng sừng sững, một dải đất chia đôi hai bờ biển kéo dài như một nhịp cầu nối liền với một ngọn núi khác. Xa hơn nữa, vài ba hòn đảo xếp cạnh nhau, nhìn ngược nắng, màu biển thâm thẫm tối và núi lờ mờ xanh. Đó là một món quà, một phần thưởng tuyệt vời cho những mệt nhọc mà chúng tôi đã trải qua. Chúng tôi chụp một vài kiểu ảnh làm kỉ niệm rồi sau đó ngồi lặng im, thi thoảng nói một vài câu chuyện bâng quơ. Không khí trong lành, yên tĩnh đến mức chúng tôi dường như nghe cả hơi thở của nhau. Tôi khoan khoái hít một hơi thật sâu và chỉ ước giá như tôi có thể ở lại đây, nằm im nhìn những đám mây trôi vô định xa xa và màu biển lúc xanh thẫm lúc đục mờ, với những cơn gió lúc se sẽ mơn man lúc ào ạt thốc vào da thịt.

Trên đường về, địa hình có vẻ đa dạng hơn. Chúng tôi đi trên một đoạn đường dài trắng xóa đá vôi, rồi có khi lại mất hút vào rừng với cỏ cây rậm rạp, lúc leo lên đỉnh cheo leo rồi một lúc lại xuống triền đồi, rìa vực. Anka dẫn chúng tôi ghé thăm những hốc đá có dấu tích của thổ dân da đỏ. Trong những chuyến đi bushwalks hoặc coastal walks, Anka và Bigi lúc nào cũng hứng thú tìm hiểu về những gì liên quan đến thổ dân, văn hóa bản địa độc đáo và đặc biệt là số phận của họ hiện thời. Trên rất nhiều hang động hoặc triền đá bây giờ còn lưu lại những hình vẽ nguệch ngoạc, thô sơ như hình cá, chim, hoặc hình người. Trong khi tôi và Bian loay hoay chụp ảnh, Anka và Bigi tranh luận mải mê về lịch sử nước Úc, về số phận của những người đã từng một thời là chủ nhân của vùng đất đai tài nguyên rộng lớn này (câu chuyện về những người thổ dân cũng khá là thú vị, sẽ được viết kĩ hơn trong một entry sau ^&^).

Chuyến đi thứ 3 thì hoàn toàn là đi rừng, không còn dính dáng gì đến đại dương nữa. Chuyến này chỉ còn 3 người, cô bạn Anka của tôi đã về Đức. Đây là một chuyến đi đáng nhớ đối với tôi vì tôi đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Từ sân ga, chúng tôi nhanh chóng tìm được lối vào rừng cách đó khoảng tầm chỉ hơn một cây số. Ngoài sân ga ôi chao là nắng, gió, hơi người và tiếng xe huyên náo. Thế mà chỉ vừa mới đến cửa rừng thôi đã là một không gian hoàn toàn khác hẳn. Rừng chào đón chúng tôi bằng những tiếng chim kêu rất vui tai (phải nói là vui tai vì nó là một hỗn hợp âm thanh khó tả mà nếu dùng từ "lảnh lót"hay "véo von" thì sẽ rất chi là tượng trưng ước lệ). Và hoa. Những bông hoa rừng be bé, vàng hươm như nắng, nở bung hết cả lối đi. Mùi hoa thoảng, lan tỏa dịu dàng trong cái gió mát lạnh của mùa xuân. Cánh hoa thường rất nhỏ, loại thì hình như ngôi sao, loại thì nhìn như cái chuông, buông thõng như chùm đèn. Có đôi chỗ cây cối âm u, không gian dường như đan kết lại. Và một chút hơi âm ẩm bám vào mặt, tóc tai da thịt, tôi nhịn thở, hít một hơi thở thật sâu rồi thở ra từ từ, khoan khoái và dễ chịu vô cùng, y như cái cảm giác cơ thể được thanh lọc. Đôi chỗ thưa hơn, ngước lên có thể thấy ánh mặt trời đang chiếu rọi, và một khoảng trời xanh miên man lọt giữa những tán cây xanh thẫm. Chúng tôi càng đi lên cao, không khí càng se lạnh và trong vắt, chỉ còn âm thanh của dòng suối róc rách, của tiếng chim, và gió rì rào.

Đến giữa trưa, dù chưa đến đích, ba chúng tôi quyết định dừng lại bên một cái hồ be bé, hồ này vốn là một khúc suối trong mùa nước lũ, đến mùa nước cạn thì co lại thành một cái hồ bé biệt lập, tiếng địa phương gọi là “billabong”. Trong khi Bigi đã ăn hết nửa cái sandwich, Bian vẫn còn loay hoay chụp ảnh chùm hoa đỏ, mỏng như cánh chuồn chuồn ớt trên nền nước hồ xanh và than thở về cái máy ảnh già cỗi của cô. Tôi lẩm bẩm một vài câu trong bài hát Walzing Matilda trong đĩa của Slim Dusty “Once a jolly swagman camped by a billabong/ under the shade of a coolibah tree”. Bài hát này đến nay vẫn còn gây tranh cãi bởi có nhiều phần lời khác nhau, nhưng đại loại nội dung chính là kể về câu chuyện của một anh chàng chăn cừu với cái gùi vải trên lưng, lang thang ngày tháng trong rừng sâu. Đến khi mệt và đói, chàng ta dừng lại bên một hồ nước, dưới bóng cây bạch đàn nghỉ ngơi, và ăn trộm một con cừu, rồi đến khi bị người chủ trang trại cùng cảnh sát lùng bắt, chàng ta nhảy xuống hồ tự vẫn chứ quyết không để bị bắt sống. Câu chuyện buồn bã, nhưng với chất giọng ấm, khàn và hồn hậu rất Úc của Slim Gusty, và với điệp khúc kêu gọi lên đường “Waltzing Matilda, Waltzing Matilda. You'll come a-Waltzing Matilda, with me”, bài hát không bị nhuốm màu bi ai, ngược lại, nó còn nghe thật hào sảng, thúc giục. Tôi cảm giác như linh hồn của họ, những người con của rừng, những số phận đặc biệt của một giai đoạn lịch sử đặc biệt, vẫn còn sống, và có thể, đã hóa thân vào trong hình dáng của những cái cây, những hồ nước, những ngọn gió, chim muông và đất đai mênh mông này.

Bigi cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi bằng việc khua khoắng chân tay loạn xạ vào mặt nước hồ trong vắt. Cô bảo chả cần đến cái hồ nước tuyệt vời mà Anka từng nhắc đến, đây, hồ nước mát trong này, với cô, đã là đích đến. Cô chỉ cần nhìn thấy màu trời xanh ngát, những đám mây trắng xôm xốp và hàng cây bên hồ in bóng xuống mặt nước, những hòn đá cuội đủ màu nằm im lìm dưới đáy hồ, thế là đủ.

Ngay sau đó, chúng tôi gặp một cặp trung niên người Nam Mỹ đang đi ngược chiều. Hai ông bà bắt đầu hành trình từ 4h sáng và dự định sẽ kết thúc vào 5h chiều. Người phụ nữ cầm một cái cành cây khô to và dài, bà bảo ông bà có gặp rắn trên đường đi. Nhắc đến rắn, tôi nổi hết cả da gà. Tôi bắt chước họ, chọn lấy một cành củi khô chắc chắn làm gậy, bước thận trọng hơn, khua loạn xạ những đám lá mục và quan sát kĩ càng những cành cây trước mặt. Càng đi gần những đoạn đường men bờ suối, tôi càng cảm thấy căng thẳng hơn. Bian cũng giống tôi, tự phòng vệ bằng một cây gậy tự chế như vậy, chỉ có Bigi là vẫn điềm tĩnh như không. Tôi vốn là người không quá nhát gan khi nghĩ về cái chết, thậm chí đôi khi tôi còn hình dung về nó một cách hào hứng. Nhưng, ngay lúc này đây, trong rừng heo hút này, tôi đánh rơi đâu hết sự can đảm và an nhiên. Dù gì, tôi cũng không muốn bị chết trong rừng, nhất là vì rắn cắn. Càng thêm căng thẳng khi chúng tôi gặp một nhóm người nữa đi ngược chiều và họ cảnh báo chúng tôi rằng trên đường đi họ đã gặp hai con rắn, một con nằm ngay trên lối đi, một con đang bò trên cây, họ không làm sao cả nhưng nhắc nhở chúng tôi nên phòng vệ cẩn thận. Tuy nhiên, Bigi trấn an chúng tôi rằng chắc đó chỉ là rắn thường thôi, nếu có rắn độc, hẳn người ta phải cảnh báo mọi người về nguy cơ đó, và theo cô biết thì hình như chưa có ai chết vì rắn cắn trong rừng này bao giờ. Lý giải đó của cô nghe chừng hợp lý nhưng cũng chẳng thể trấn an được tôi và Bian. Những câu chuyện rôm rả, hài hước cũng làm tôi khuây khỏa đi phần nào, nhưng vẫn luôn lăm lăm cây gậy trong tay, khuya chỗ này, khoắng chỗ kia và nhịp tim đập nhanh gấp đôi bình thường.

Chỉ đến lúc chúng tôi đi qua đoạn đường rậm rạp, ẩm thấp ven suối, bắt đầu leo lên những quả đồi cao hơn, lúc đó, tôi mới thực sự cất bỏ được gánh nặng. Tôi quẳng cây gậy, leo thoăn thoắt lên những tảng đá, huýt sáo, rồi lại hát vang “Over the hills”, một bài hát tôi cũng rất ưa thích của Slim Dusty. Mấy tháng trước, một người bạn gửi tặng tôi bài hát này, đùa rằng vì tôi thích leo núi nên bài hát này được sáng tác để dành cho tôi. Lời bài hát giản dị, giai điệu tươi vui. Tôi hào hứng rảo bước thật nhanh vì như thể “tôi đang nghe tiếng gọi từ phía quả đồi bên kia…”

Khi chúng tôi lên đến đỉnh đồi và nhìn xuống, tôi bối rối thực sự trước một cảnh tượng một triền đồi toàn hoa vàng trải ra trước mắt. Trong ánh nắng chiều, màu hoa hắt lên sáng rực. Chúng tôi ngồi lại đấy một lúc rồi bắt đầu xuống núi. Và cuối cùng, chúng tôi đã đến được đích của ngày hôm ấy, hồ nước trong vắt mà Anka từng ca ngợi hết lời. Hồ không rộng, và khá cạn, nếu lội xuống chắc chỉ khoảng ngang đầu, dân vùng này gọi nó bể nước tự nhiên. Một đôi tình nhân đang tắm giữa hồ, một nhóm già cả lớn bé đang ngồi ăn trưa phía góc chéo bên kia. Chúng tôi xắn quần áo lên và vốc nước rửa mặt mũi, chân tay. Nước trong veo và mát lạnh làm tôi thấy sảng khoái vô cùng. Rửa mặt bằng nước hồ tiên, là chúng tôi tự gọi thế, làm ba chúng tôi cảm giác như được trẻ ra và xinh đẹp hơn bội phần :)

Chuyến đi thứ 4, vì những người bạn đồng hành quen thuộc đều bận rộn nên tôi đành quyết định một mình đi xem hội hoa trên núi, hôm đó đã là ngày cuối cùng. Mỗi năm một lần cứ vào dịp xuân sang, những người dân địa phương mở một lễ hội hoa, gồm khoảng 10-20 vườn hoa cả thảy. Tôi dậy từ sáng sớm, bắt xe buýt lên ga trung tâm, từ đó đến hội hoa phải mất 2 tiếng đồng hồ. Khi tôi mua vé xong thì tàu vừa chuyển bánh, thế là phải chờ 1 tiếng cho chuyến tàu tiếp theo. Nhưng có lẽ cũng là một cơ duyên, lúc ngồi chờ tàu, tôi gặp Delia, cô là người Thụy Sỹ sang Úc du lịch và thế là chúng tôi kết bạn đồng hành. Dù mới gặp lần đầu, chúng tôi nhanh chóng trở nên thân thiết và nói chuyện suốt dọc đường đi. Cô ấy dạy tiếng Anh và văn học Anh Mỹ ở một trường cấp 3 nên chúng tôi có hàng tá chủ đề yêu thích và hai tiếng đồng hồ trôi qua nhanh chóng.

Mùa xuân trên núi cao thật khác hẳn, mát mẻ, trong lành và yên tĩnh đến lạ kỳ. Cách trung tâm thành phố 2 tiếng đi tàu, nhưng lên đến đây, cảm giác như là một thế giới hoàn toàn khác. Lâu lâu, một tiếng xe vèo qua phố, hoặc một tiếng chim hót, rồi tất cả lại rơi vào yên tĩnh, một sự yên tĩnh mang lại cho người ta cảm giác thanh thản vô cùng. Dọc đường đi, hoa nở bạt ngàn. Hoa dại, hoa vườn, cây bé, cây lớn, muôn màu muôn sắc.  Các vườn hoa được thiết kế khá tinh tế từ lối đi vào, đến chỗ ngồi uống trà thưởng hoa. Tôi tưởng như mình lạc vào thế giới của những câu chuyện lãng mạn thế kỉ trước, những chàng và nàng xinh đẹp, ngồi bên vườn hoa nói những câu chuyện ý nhị, chiếc khăn tay vờ bỏ quên, mảnh giấy nắn nót lời hẹn hò... Mái che được sơn màu trắng, những cái ghế xinh xinh cũng màu trắng, giữa rực rỡ hoa lá xung quanh. Tôi ngồi đó, ngẩn ngơ, nhâm nhi bình nước trà mang sẵn, chả nghĩ ngợi gì cả. Có khi tôi ngửa mặt lên nhìn trời qua cái mái che thưa, đôi ba chùm hoa treo lơ lửng, cứ thế cho đến lúc ánh nắng làm mắt tôi bị chói lòa đi. Hương hoa dìu dịu, tiếng dòng suối nhỏ róc rách, và thỉnh thoảng một vài người đến, ngắm nghía, trò chuyện, rồi lại vội vã đi. Tôi chuyện trò một chút với người chủ vườn thân thiện, ông kể chuyện chăm sóc hoa như thế nào trong một năm để có được một cái vườn viên mãn như vậy vào mùa xuân. Rồi ông bấm cho tôi một vài kiểu ảnh và đãi tôi một ly trà lipton. Giá mà tôi có thể ngồi lại đó thật lâu. Xung quanh là rừng núi bạt ngàn, đây là vườn hoa rực rỡ và màu trời thì xanh quá thể. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng bứt ra được cái không gian vương vấn đấy, thăm thú thêm vài vườn hoa nữa rồi lên đường cùng Delia đến một thị trấn khác. Từ khu vực lễ hội, chúng tôi rẽ vào lối đi bộ trong rừng, leo núi khoảng độ 6km và sau đó thì dự định sẽ bắt tàu về lại thành phố.

Nhưng đúng là một ngày đặc biệt, khi vừa từ trong rừng ra đường lớn gần chỗ ga tàu, chúng tôi tình cờ gặp Eric và Ely. Eric là lính cứu hỏa, từng làm việc mười mấy năm ở khu rừng này. Ely là vận động viên thể thao, đến đây thi đấu cho một giải bóng đá. Họ cũng chỉ mới tình cờ quen nhau ngày hôm trước đó. Mới đầu, chúng tôi chỉ nói chuyện xã giao, nhưng dần dà câu chuyện trở nên thực sự thú vị. Eric mời chúng tôi lên xe và ông tình nguyện làm hướng dẫn viên, đưa chúng tôi đến những điểm đẹp nhất ở vùng đấy. Đây là một khu vực rộng với một quần thể núi được gọi là Blue Mountains. Trên đường đi, Eric kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về vụ cháy rừng lớn nhất trong lịch sử của bang New South Wales, về sự tích của ngọn núi Three Sisters, về công việc của một người bảo vệ rừng. Xe hơi của ông có gắn một thiết bị đặc biệt, đó là một cái camera ghi lại toàn bộ lộ trình, ông bảo nó rất hữu ích trong trường hợp cháy rừng. Rồi ông dẫn chúng tôi đi qua con đường mà hai hàng cây cháy đen, dấu tích sót lại của vụ cháy rừng năm trước. Nhưng kì lạ thay, từ cái đống hoang tàn ấy, những thân cây đen đúa ấy, những chồi non lại tiếp tục mọc lên xanh tốt đầy sức sống. Eric lần lượt đưa chúng tôi đến 4 điểm đẹp nhất, trong đó có 1 điểm là “tourist trap” đông đúc, 3 điểm còn lại rất vắng vẻ. Lần đầu tiên tôi trải nghiệm cảm giác đi xe hơi trong rừng, với ba người lạ tôi mới gặp lần đầu. Chúng tôi đi vào rất sâu trong rừng, giữa mênh mông bạt ngàn cây cối thâm u, nhưng tôi không hề có cảm giác bất an. Tôi bất giác bật cười khi nghĩ đến một cái note tôi viết dở trong một cái blog cũ “Khi đời sống bị bủa vây bởi những nỗi sợ hãi”, tôi kể về chuyện tôi sợ hãi mọi nơi mọi lúc như thế nào, một kiểu ám ảnh rất Kafka. Và giờ đây, ở cái giây phút ấy, thật tuyệt vời làm sao khi tâm hồn đạt đến độ thanh thản tuyệt đối, không hề gợn một chút hoài nghi gì về lòng tốt, về sự hồn nhiên trong sáng của con người.

Suốt 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi thăm thú những dãy núi cao, ngắm nhìn những thung lũng, những sườn đồi uốn lượn. Eric còn giải thích cặn kẽ cho chúng tôi vì sao những ngọn núi này có tên là Blue, và ông chỉ phía xa xa những ngọn núi xanh lam, ông còn bứt mấy lá bạch đàn loại lớn và bé, vò trong tay một lúc rồi phân tích mùi hương đặc trưng của nó. Rồi ông nói rất nhiều về rừng bạch đàn, công dụng tuyệt vời cũng như nguy cơ cháy rừng từ loài cây đặc trưng của Úc này. Đến lúc chiều muộn, ông chở chúng tôi về một ga gần đấy để bắt tàu về thành phố. Chúng tôi chia tay và không quên hẹn một ngày đẹp trời sẽ gặp lại ở vùng núi non tươi đẹp này. Tôi về đến nhà lúc 10 giờ rưỡi đêm, lòng vẫn còn ngơ ngẩn về vẻ đẹp của rừng núi, về những người bạn mà nhờ một cơ duyên đặc biệt, tôi đã biết đến họ, đã chia sẻ với họ những khoảnh khắc thật tuyệt vời.

Chuyến đi thứ 5, chỉ còn tôi và Bigi, lúc này Bian đã về Đức. Lần này, chúng tôi chuyển hướng đi sang phía bắc của thành phố. Đây là một tour khá đẹp với những ngọn núi cao, những sườn đá lấp lánh màu sắc, những cánh đồng cỏ hoang, những dòng sông uốn lượn và thung lũng. Dù đã sang đầu hè, hoa rừng vẫn đang nở rực rỡ và cây cối xanh mút mắt. Tour này không quá dài, chỉ khoảng 10km, nhưng núi khá cao, có đôi chỗ phải đến 600-700 m. Chuyến đi này chúng tôi cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc đặc biệt. Lần đầu tiên, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy lirebird, chim cầm điểu, một trong những loài chim bản địa của Úc, đặc biệt với tiếng hót rất hay cũng như khả năng bắt chước rất nhiều âm thanh xung quanh nó. Từ cách trăm mét, tôi và Bigi chợt nín thở khi nghe tiếng hót, chính xác, cầm điểu, Bigi thốt lên một cách sung sướng, nhưng khi chúng tôi đến gần, nó chạy mất, tôi chỉ còn kịp nhìn thấy nó qua những khoảng trống giữa các bụi cây cho đến khi mất hút.

Trên đường đi, chúng tôi gặp hai đoàn học sinh Trung học đi cắm trại trên đường về. Câu chuyện của chúng tôi, theo đó, dẫn đến chủ đề về văn hóa Đông Tây, về cách giáo dục trẻ con, về sự phát triển thể chất và tinh thần. Câu chuyện lan man và những con đường vòng vo gập ghềnh dẫn chúng tôi vào sâu trong rừng. Có những đoạn cây cối âm u gần như bao phủ, chúng tôi không còn thấy ánh nắng nào lọt qua kẽ lá. Rồi chúng tôi men dọc theo bờ suối, có lúc phải trèo qua những mỏm đá nhấp nhô. Suối ở khu rừng này rộng, dài và sạch sẽ. Màu xanh của sông suối ở đây cũng thật đặc biệt, xanh như màu cây rừng, khiến tôi lúc nào nhìn thấy cũng nôn nao. Chúng tôi dừng lại bên suối, ngồi chuyện trò và đọc sách. Lần này không hiểu sao tôi ít suy nghĩ đến chuyện rắn, có thể, vì suốt đường đi không có ai nhắc nhỏm gì. Thế nhưng đúng là cuộc đời, mọi việc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là lúc chúng ta ít ngờ đến nhất. Khi tôi đứng dậy, quyết định đi tiếp, tôi bất ngờ rùng mình hét toáng lên khi một con sâu to đùng đang bò lổm ngổm trên chân. Có lẽ tôi đã không sợ đến xanh xám mặt mũi như vậy nếu như tôi chủ động nhìn thấy nó từ xa. Chưa kịp định thần, khi chúng tôi vừa mới đi thêm được vài trăm mét, Bigi bất ngờ kêu thất thanh khi cô thấy một con rắn bò ngang qua trước mặt và sau đó lẩn ngay xuống suối. Tôi chỉ kịp nhìn thấy phần phía sau của con rắn nhưng sợ đến mức không còn biết nó là loại rắn gì. Có thể nó chỉ là một con rắn nước vô hại, nhưng ngay lúc đấy, nỗi sợ hãi làm tôi gần như nghẹt thở. Đến cả Bigi, cô vốn rất dũng cảm và luôn mong một lần được nhìn thấy rắn ở trong rừng, cũng không khỏi bàng hoàng.

Dĩ nhiên, sau khi trấn tĩnh, tôi lại tự trang bị một cái gậy dài, qua một đoạn quang quẻ, cao ráo thì tôi vứt nó đi, nhưng cứ đến đoạn nào gần bờ suối thì tôi lại nhặt một cành củi khô, cứ thế. Qua cơn sợ hãi, câu chuyện lại trở nên rôm rả. Chúng tôi đến một cánh đồng cỏ lau bát ngát ngay dưới chân núi, ngay cạnh đấy là một dòng sông khá rộng với một chiếc cầu mỏng mảnh bắc qua. Chúng tôi đứng lắc lư trên cầu, chụp một vài kiểu ảnh rồi tiếp tục hành trình leo lên ngọn núi cao nhất mà từ đó chúng tôi có thể chiêm ngưỡng thung lũng đẹp nhất ở đây. Một con đường bằng gỗ uốn lượn giữa bạt ngàn cỏ lau, na ná như một cảnh trong bộ phim cổ điển nào đó. Lần này Bigi có vẻ mệt, chấn thương ở mắt cá chân do chơi hockey mấy tuần trước vẫn chưa lành hẳn nên cô leo núi chậm chạp và khó khăn hơn. Dốc núi đứng và cao hơn hẳn những chỗ chúng tôi đã từng đi. Thế nhưng dần dần, chúng tôi cũng trèo lên được đỉnh. Nhìn xuống triền núi và vực sâu phía dưới, tôi vẫn không tin nổi tôi đã leo được cao đến thế. Rồi từ đỉnh núi này, chúng tôi đã nhìn thấy thung lũng. Một hồ nước trong vắt hiền hòa giữa bốn bề núi non. Mặt hồ như một chiếc gương soi rõ màu trời xanh miên man, những dãy núi xanh thẫm điệp trùng. Tôi nhìn xa xa, những cành cây khô, cái thẳng, cái uốn cong như những sản phẩm tạo hình tự nhiên độc đáo. Hoa nở vàng dọc triền núi. Trên cành cây, một vài chú chim đậu im lìm. Một cặp vợ chồng già đến trước chúng tôi, có vẻ như họ đã ngồi đấy khá lâu, khi chúng tôi đến thì họ lục tục đi về.

Chúng tôi ngồi lại đó suốt khoảng một tiếng. Bình nước đã cạn khô. Tôi nằm dài trên ghế đá, đọc vài trang sách. Phía trước là hồ nước trong vắt, xung quanh ba bề bốn bên là núi, tôi cảm giác như tìm lại được chính mình. Lúc đó tôi nhận ra rằng vì sao tôi thích vào rừng, không chỉ là vì tôi yêu cây cỏ chim muông, mà đó dường như còn là cách tôi chạy trốn tạm thời những gánh nặng của đời sống, những mối quan hệ, những ràng buộc, những quan tâm, những can thiệp và phán xét. Ở đây, giữa chốn heo hút này, trong khoảng khắc này, tôi được phép quên đi mọi đau khổ, dằn vặt về những bế tắc và chọn lựa. Quên hết cả, để đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng và cơ thể tôi buông lỏng, thư giãn. Giữa núi rừng này, tôi chỉ là chính tôi thôi, một con người đang đối diện với thiên nhiên hữu tình và độ lượng.

Nhưng rồi, khi chiều buông xuống, cũng đến lúc tôi cũng phải tỉnh cơn mê, đứng dậy ra về. Tôi bật cười khi nghĩ đến vở nhạc kịch “Into the woods”, khúc “Moments in the Woods”. Không khác gì cảnh ngộ của nhân vật baker’s wife, tôi biết “and it’s time to leave the woods”, tôi biết đã đến lúc tôi phải tạm biệt chốn đẹp đẽ yên tĩnh này để trở về với  phố xá huyên náo mệt mỏi ngoài kia.  

“Oh, if life were made of moments
Even now and then a bad one
But if life were only moments
Then you'd never know you had one”


2 comments:

  1. Hihi, vẫn còn nợ nần chồng chất. Một tháng nữa xong việc sẽ trả nợ những entry còn lại :)

    ReplyDelete