Wednesday 7 November 2012

"Once met, forever loved"

"Once met, forever loved", đó là dòng chữ tôi đọc được trên tấm bia được chôn trước một cây bạch đàn xanh tốt ở trong Centenial Park, một trong những công viên rộng và đẹp nhất Sydney. Trên tấm bia đó có kèm chú thích tên cây, tên người trồng, năm và cuối cùng là tên người được tưởng nhớ. Qua lại đã lâu trong công viên nhưng tôi cũng ít để ý, cho đến một ngày, một người bạn thắc mắc với tôi về những dòng chữ trên đó. Thường thì những tấm bia ấy ghi "tưởng nhớ", "yêu thương" hay "kỉ niệm" đến bố mẹ, vợ chồng, người tình, bạn bè, hoặc cũng có khi là thầy giáo, đồng nghiệp... đã mất, hoặc để chào đón những đứa trẻ vừa mới được sinh ra (thường thì trong trường hợp sinh đôi hay sinh ba). Một vài lần, bạn tôi thấy người ta mang hoa ra đặt trước tấm bia, sùi sụt khóc, lần khác, tôi lại thấy có người đến dọn dẹp gốc cây rồi ngồi lặng hàng tiếng đồng hồ.

Những lần sau đó, tôi bắt đầu khám phá từng gốc cây một, đọc tên từng cây, tuổi đời và tên của người đã khuất cũng như những người đã, đang tưởng nhớ đến họ. Nói đã/ đang bởi có những cái tên, tôi thấy họ ở gốc cây già, với tư cách người trồng, ở một cây khác, mới hơn, lại với tư cách là người được nhớ đến. Nghĩa là, cũng chính người này, khi sống, đã trồng cây để tưởng nhớ về một ai đó thân yêu đã mất, và đến lượt, khi người ấy mất đi, họ lại được những người khác nhớ đến, như một vòng tuần hoàn, cho và nhận, vay và trả, như kiếp người hạn hữu và yêu thương còn mãi. Những cái tên, hoàn toàn xa lạ với tôi, nhưng lại làm dấy lên trong tôi một nỗi niềm thật khó tả.

Rồi một hôm đi dạo trong công viên, tôi bắt gặp một đôi vợ chồng già đang cho chim ăn và đếm số lượng chim cò trong khu vực đó. Tôi đánh bạo hỏi chuyện về những cái cây và những tấm bia. Hai ông bà già giải thích rằng việc trồng cây trong công viên được hội đồng thành phố quản lý, nếu ai có nhu cầu trồng cây để tưởng nhớ đến những người thân đã mất, hoặc để chào đón, kỉ niệm cho những đứa con thân yêu vừa ra đời thì phải đăng ký và trả một khoản lệ phí nào đấy cho việc trồng và chăm sóc cây. Phí ấy, dĩ nhiên, không hề rẻ. Ông bà ấy bảo, có một gia đình thuộc hàng giàu có ở Sydney là có nhiều cây nhất ở trong khu vực công viên này. Rồi bảo thêm, nếu một trong hai người, ông hoặc bà, mất trước thì người kia nhất định cũng sẽ trồng một cái cây, giống như cây này này, bà chỉ cho tôi một cây bạch đàn cách đó chừng 50m, ngay cạnh bên hồ. Nói xong, ông bà già nhìn nhau cười tình tứ. Họ nói về cái chết nhẹ nhàng như vậy. Rồi sau đó, ông bà hỏi về phong tục của đất nước tôi và nói về phong tục của những vùng đất mà họ đã đến. Đột nhiên, bà già quay sang tôi hỏi: "cô có biết loại cỏ này không?" bà cúi xuống, lấy tay áp vào những khóm cỏ vừa mọc, loại cỏ này rất cứng, rất nhám, "cô tháo giày ra và thử giẫm lên xem". Tôi làm theo lời bà, quả là như có gai đâm. Bà bảo: "đôi giày này bảo vệ cô khỏi đám cỏ gai, đôi chân cô được bao bọc trong một thế giới êm ái, nhưng đôi khi, cũng nên tháo giày và chạy một vòng để cảm nhận xem gai sắc đến chừng nào. Giờ là mùa xuân, mùa xuân không chỉ có hoa, mà còn là mùa của loại cỏ gai này (bà nói một cái tên gì đó mà tôi không tài nào nhớ nổi). Hạnh phúc hay bất hạnh, êm ái hay đau đớn, sự sống hay cái chết, tất cả chúng ta đều phải, và sẽ đón nhận nó, lần lượt". Ông già quanh sang vợ gật đầu và mỉm cười. Tôi cũng mỉm cười theo. Nói xong, ông bà già chào tôi và sang mé hồ bên kia để tiếp tục công việc. Tôi sững mất vài phút và rồi rảo bước đi về, lòng vẫn còn ngơ ngẩn. Mấy tuần sau đó, hầu như hôm nào tôi cũng chạy bộ quanh công viên, cũng thường khoảng tầm giờ đó, nhưng thật tiếc tôi chưa có dịp gặp lại họ thêm một lần nào nữa.

Từ nhà tôi đến công viên có một con đường khá đẹp. Hai bên đường rất nhiều hoa. Độ mới sang xuân, hầu như ngày nào tôi cũng thường chạy bộ qua đường đó, đôi khi, tiện thể chụp mấy kiểu ảnh lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của mùa xuân. Đặc biệt, có một khu vườn nho nhỏ ngay trước một tòa nhà chung cư tôi rất thích và thường dừng lại lâu hơn để ngắm nghía. Một sáng, khi đang tha thẩn ở đó, tôi chợt nghe giọng nói vọng xuống từ một cửa sổ tầng trên. Một bà cụ tóc trắng phơ nhưng giọng nói nghe còn rất rõ. Bà chào tôi rồi kể rằng khu vườn ấy thuộc về một người vừa mới mất. Nhìn những cành đào hồng, đào trắng và cả một vườn hoa xuân đang nở rạo rực xung quanh, tự nhiên tôi không ngăn được giọt nước mắt ứa ra. Khi bà nói "a lady", tôi không biết người đàn bà, chủ nhân của vườn hoa đẹp ấy, bao nhiêu tuổi, bà đã sống một cuộc đời như thế nào và chết ra sao. Nhưng tôi cảm động. Một người vun trồng, chăm bẵm cho một vườn hoa đẹp đến như thế, tôi tin, hẳn người ấy phải có một tâm hồn rất đẹp. Rồi khoảng tầm hơn 1 tháng sau, khi một buổi sáng đi bộ qua khu nhà ấy, tôi gặp một bà già đang tưới hoa. Tôi chào và đứng lại hỏi chuyện. Bà già tỏ ra niềm nở (tôi nghĩ những người già xứ này thường rất sẵn lòng nói chuyện, có thể vì họ sống biệt lập và cô đơn chăng). Thoạt nhìn, tôi nhầm tưởng đây là người tôi đã gặp lần trước.
- Chào bà, chúc bà một ngày mới tốt lành! Vườn hoa đẹp quá!
- Chào cô, vườn hoa này là của một người đàn bà, sống cùng khu nhà này, vừa mất được 2 tháng.
- Xin lỗi, hình như tháng trước tôi có nói chuyện với bà, lúc đó tôi đang ngồi ngắm hoa, và bà nhìn ra từ cửa sổ tầng 2
- Ồ không, đó là một người khác, hàng xóm của tôi. Chúng tôi sống cùng khu nhà này đã mười mấy năm rồi. Ở đây toàn người già, trạc tuổi nhau cả. Chắc cô nhầm vì... bà ấy cũng tóc trắng phau như thế này- bà nói và cười vui vẻ.
- Vâng, có lẽ thế, tôi không nhớ rõ.
- Cô thấy đấy, vườn hoa này rất đẹp. Bạn tôi, nguyên là người chủ vườn hoa này ấy, bà ấy yêu nó như con. Mấy tháng trước bà ấy ốm nặng phải vào viện, nhưng vừa được về hôm trước hôm sau đã lại ra vườn tưới hoa.
- Ôi, hoa đẹp thật đấy, rất đẹp - tôi nói, một cách bối rối, như mọi ngôn từ của tôi đột nhiên biến mất
- Đấy, bà ấy yêu vườn hoa này như vậy, nên khi bà ấy mất, chúng tôi thay nhau trông coi, chăm sóc nó hàng ngày
- vâng
- đó là thứ bà ấy để lại, cho mọi người - cuối cùng tôi cũng nghĩ ra được một câu gì đó để đáp lại
- đúng rồi, bà nói, bà ấy đã mất, nhưng vườn hoa thì vẫn còn
một khoảng lặng, rồi bà nói tiếp: 
- bà ấy trồng hoa cho niềm yêu thích của chính mình, nhưng vườn hoa mang lại vẻ đẹp cho cả khu nhà, và niềm vui cho mọi người. Nhờ thế, cô được ngắm, và tôi được nói chuyện với cô
- tôi thấy ở trong công viên người ta trồng rất nhiều cây để tưởng nhớ người đã mất đấy, công viên rất xanh- tôi chuyển chủ đề
- ừ, tôi biết, ở đây người ta thường làm vậy, đó là một cách để tưởng nhớ về người đã mất
- tôi rất thích ý tưởng này, nó rất nhân văn
- đúng rồi, nó gợi ý niệm về thời gian, về sự hiện hữu, một con người ra đi, nhưng cái cây sẽ lớn, nghĩa là ít nhất chúng ta vẫn còn hiện hữu trong một hình dáng khác, như cành như lá, và đặc biệt là trong tâm trí của một ai đó nữa. Và do vậy, chúng ta không hoàn toàn biến mất khỏi thế giới này
- tôi thấy xúc động, tôi nói, khi tôi đọc những tấm bia, dù tôi chẳng biết họ là ai
- đúng thế, cô không biết họ là ai, nhưng cô biết, có những người quan tâm đến những người đã mất, và đó là tình yêu, và đó là tình người - bà nhấn mạnh chữ "tình yêu" và "tình người".

Khi chào bà ra về, tôi cảm giác như chân mình bước liêu xiêu không trọng lượng. Tôi nghĩ ngợi mông lung về câu chuyện của những người đang sống và đã mất. Tôi nhớ ông nội, người gắn bó với những kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ, ông đã mất 14 năm và lâu lâu tôi lại gặp ông trong những giấc mơ. Tôi nhớ đến người bạn thân học cùng cấp một đã từ giã cuộc đời khi đang ở tuổi đẹp nhất và số điện thoại của bạn vẫn nằm im ắng trong danh bạ từ bấy đến giờ. Ước gì tôi có thể trồng cho những người tôi yêu thương những cái cây xanh tốt như ở công viên kia. Và lan man nghĩ, giá như, thay vì đua nhau xây những khu lăng mộ thật to, thật hoành tráng, người ta có thể trồng cây, hoặc trong vườn, hoặc trên đường phố, trong công viên, thậm chí trong rừng, trên núi, bên bờ biển để tưởng nhớ về người đã khuất. Như thế, môi trường sống sẽ thêm được thật nhiều cây xanh. Rồi một lúc nào đó trong phút giây buồn bã, trong một nỗi nhớ quay quắt về một người đã khuất, người ta có thể đến đó, trước cái cây kỉ niệm, ngồi lặng im, với xung quanh là tiếng gió thổi vi vu, tiếng chim hót, tiếng bước chân những người chạy thể dục, và với tiếng chơi đùa con trẻ... chắc nó sẽ đỡ thê lương hơn cảnh tượng một buổi chiều rớt trong một khu nghĩa địa cô quạnh buồn tênh, tôi nghĩ.

Rồi từ câu chuyện về những cái cây, về vườn hoa, tôi bắt đầu nghĩ nhiều hơn về sự sống và cái chết, về chuyện "một cái chết như mong muốn" của một đời người, và cả chuyện sau cái chết. Trong chuyến đi chơi xa với một người bạn, tôi và cô ấy nói rất nhiều về lựa chọn chôn cất hay hỏa thiêu sau khi chết, và thế nào là một cái chết đẹp đẽ và ít đau đớn nhất, cho cả bản thân mình và những người ở lại. Trong 2 tiếng ngồi xe bus, và cả lúc leo núi, đi bộ dọc bờ biển, chúng tôi nói thật sôi nổi hào hứng, như thể ngày mai mình chết, mà cũng như thể, hàng trăm năm nữa mình mới ra đi. Bạn tôi nói cô ấy muốn được hỏa thiêu, rắc tro xuống biển hoặc ở bất kì đâu thì tùy. Tro ấy có bón cây được không, cô ấy hỏi nhưng tôi không chắc lắm. Và dĩ nhiên, cô ấy cũng muốn được một ai đấy trồng cho một cái cây, tôi cũng vậy. Dẫu biết rằng ma chay là một tục lệ lâu đời, rất khó thay đổi, tôi thực sự vẫn thấy rùng mình khi nghĩ đến cảnh những đám tang với nhiều thủ tục rườm rà cho cả người chết lẫn người sống, cảnh khóc lóc não nề, thậm chí kèn trống phô trương ồn ã... Đành rằng một người thân ra đi là tột cùng đau thương và mất mát, nhưng có thể nào người ta thể hiện niềm yêu thương và nỗi đau khổ một cách giản dị hơn được không?

"Once met, forever loved", dĩ nhiên tôi không còn đủ sến để tuyệt đối hóa về một tình yêu duy nhất trong đời. Tôi vốn tin rằng trái tim con người làm bằng da thịt, dòng máu chảy trong tim nóng ấm không bao giờ nên để héo mòn và hóa đá vì một mối tình tan, vì một người đã ra đi vĩnh viễn. Hình tượng nàng Tô Thị chờ chồng hóa đá hay những người đàn bà thủ tiết đến mỏi mòn trong thời chiến tranh mà một thời được xã hội tôn thờ xưng tụng, sao tôi thấy thật bất nhẫn và xót xa.

"Once met, forever loved", tôi thích dòng chữ ấy, theo nghĩa, tình yêu sẽ là mãi mãi, trong cả sự nhớ và sự quên, trong cả nỗi buồn và niềm vui của người ở lại. Đặc biệt, khi tình yêu đấy được gửi gắm, hiện hữu trong một hình hài cụ thể như một cái cây, nó sẽ lớn lên, sẽ tỏa bóng mát yêu thương cho tất cả mọi người. Rồi ngay cả khi, cái cây ấy chết đi thì những cái cây khác lại mọc lên, như sự yêu thương giữa con người- con người không bao giờ vơi cạn. Cũng như vườn hoa kia, một ngày nào đó sẽ tàn lụi, và cả những người muôn năm cũ trong khu phố ấy nữa, một ngày cũng sẽ giã từ cuộc đời này. Nhưng vòng tuần hoàn của sự sống thì sẽ còn mãi, những người mới, những cây mới, những cuộc đời mới. Và cứ thế.

Theo đó, những suy nghĩ lan man này rồi một ngày cũng sẽ biến mất. Nhưng rồi, liệu có bao nhiêu cái cây xanh tốt sẽ mọc lên?


3 comments:

  1. FB đóng tài khoản rồi nên em phải vào đây để nghe lại câu chuyện về những cái cây của mẹ ^^

    ReplyDelete
  2. Thăm Lucia.
    "Once met, forever loved"
    Uyeen

    ReplyDelete
  3. Chào những người bạn quý và hiếm! Vào blog thật thanh thản làm sao:)

    ReplyDelete