Saturday 1 March 2014

Để gió cuốn đi

Có một thời gian, tôi thực tập tại một trung tâm giúp đỡ cộng đồng. Mỗi buổi chiều, từ 3 đến 6 giờ, chúng tôi đón các cháu học sinh khuyết tật từ các trường về trung tâm và tổ chức các câu lạc bộ thể thao, phim ảnh, âm nhạc và nấu ăn... Các cháu ở đây chủ yếu mắc các hội chứng như tự kỷ, down syndrome và chậm phát triển.

Có một câu chuyện xảy ra mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ mãi.

Đó là một buổi chiều mùa hạ. Lúc đó đã là 6 giờ (ở đây đến khoảng 8 rưỡi mới tắt mặt trời), tôi cùng các bạn đồng nghiệp đã bắt đầu thu dọn đồ đạc chuẩn bị ra về. Chỉ còn duy nhất một cậu bé đang chơi ngoài sân chờ mẹ đến đón.

Cậu bé mà tôi vừa nhắc đến là W, 13 tuổi, chậm phát triển ngôn ngữ và rối loạn cảm giác rất nặng. W ít khi tham gia vào các hoạt động nhóm, hoặc nếu có, cũng chỉ trong một thời gian rất ngắn. Sau rất nhiều nỗ lực, chúng tôi thỉnh thoảng lôi kéo được W vào một số trò chơi như thử tập trượt xe scooter, lần khác khuyết khích cậu chơi bóng ném, hoặc có hôm nào đột nhiên hứng khởi thì cậu tự nguyện tham gia vào nhóm nấu ăn. W thích nhìn các hàng cây đung đưa trong gió và lắng nghe tiếng chim hót buổi chiều. Chỉ những lúc đó trông cậu thật vui vẻ, mắt sáng lên và mỉm cười, rồi có khi bất ngờ W nói "gió thổi" và "chim hót".

Chiều hôm ấy, khi thu dọn xong đồ đạc trong phòng chiếu phim, tôi nhìn ra thì chợt thấy W đang chơi bóng vui vẻ ngoài góc sân cùng một cậu bé cũng khoảng tầm trạc tuổi cậu. Cậu bé kia cúi xuống, làm một động tác như đánh lừa, rồi đột nhiên ném bóng về một hướng khác. W hơi ngỡ ngàng mất một chút, nhưng rồi nhanh chóng chớp được bóng. Và cứ thế, hai cậu bé chuyền bóng qua lại, cười giòn giã. Tôi không tin nổi vào mắt mình. Tôi gọi các đồng nghiệp ra xem. Bọn tôi đứng sững mất vài phút. Cảnh tượng trước mắt như một cuốn phim. Nhóm trưởng của tôi, người đã làm việc 3 năm nay với W, nghẹn ngào thốt lên "Lạy chúa tôi". Và cứ thế chúng tôi đứng yên quan sát. Với một đứa trẻ bình thường, việc chơi bóng cùng với một người bạn không có gì là ngạc nhiên. Nhưng với những đứa trẻ khuyết tật, đặc biệt một cậu bé tự kỷ nặng như W thì đó có thể xem là một điều kì diệu. W chơi với bạn khoảng 10 phút, vui vẻ và hào hứng, và cậu chỉ đột ngột dừng lại khi thấy mẹ và em gái đi từ ngoài cổng vào. Mẹ cậu, khi chứng kiến những giây phút ấy cũng xúc động không kém.

Khi tôi ra sân, cậu bé đã đi sang một góc khác và đang chơi cùng một em nhỏ và một người phụ nữ trung tuổi. Tôi chào cậu và cảm ơn vì cậu đã chơi với W. Cậu bé, một cách chững chạc, đi về phía chúng tôi, giới thiệu tên tuổi, cậu bảo cậu là N, cậu sống ở một vùng ngoại ô cách đây khoảng 150km, cậu lên đây chơi với em họ và bà ngoại. Nhà em họ cậu ngay cạnh trung tâm này và đó là lí do cậu vào đây chơi hôm nay.

Tôi nói với cậu rằng chúng tôi đã cố gắng rất nhiều lần nhưng ko ai có thể lôi kéo được W vào trò chơi lâu đến vậy một cách tự nguyện và vui vẻ. N bảo có thể W thích cậu vì cậu trạc tầm tuổi với W chăng. "Tôi đang tìm bạn để chơi thì tôi thấy W đứng một mình và thế là tôi rủ cậu ấy chơi. Cậu ấy bắt bóng rất cừ. Chúng tôi chơi thật vui", N nói đầy hào hứng.

Nghe đến đấy, tự dưng tôi ứa nước mắt. Tôi nhớ đến cảm giác khi xem bộ phim "Ngày thứ 8". Trong phim, Harry, một người đàn ông thành đạt và giàu có nhưng đổ vỡ trong cuộc sống gia đình đã vô tình gặp và làm bạn với George, một thanh niên mắc hội chứng down. Một câu chuyện hài hước và cảm động khi hai con người, hai thế giới hoàn toàn khác nhau, đã giúp đỡ và bổ sung cho nhau những phần thiếu hụt. Chính George đã mang lại cho Harry những nụ cười tươi tắn và yêu đời, giúp người đàn ông đau khổ tìm lại những giá trị đích thực của cuộc sống.

Tôi cứ đứng đó, không ngăn được hàng nước mắt chảy dài. Cô bạn đồng nghiệp đưa cho tôi một chiếc khăn giấy và nắm lấy tay tôi thật chặt. Mẹ W cũng ứa nước mắt. Bà bảo 13 năm nay bà đã cố gắng thật nhiều nhưng thật khó để tìm cho W một người bạn thực sự. W có nhiều người quen nhưng không mấy ai chơi được với W như thế. Với một đứa trẻ ở tuổi ấy, một người bạn có lẽ gần như là điều cần hơn hết thảy.

Trước khi ra về, tôi và cô bạn đồng nghiệp còn quay lại nói chuyện với N một lần nữa. Lần này tôi mới để ý kỹ hơn, cậu bé có khuôn mặt sáng, giọng nói trong, phong cách nói chuyện lịch sự và giản dị. Cậu có vẻ chững chạc hơn những cậu bé cùng tuổi. Bà của N, một người phụ nữ trung niên ăn vận nền nã, nói chuyện cũng rất hồn hậu. Tôi không kịp hỏi han nhiều về cậu bé, nhưng tôi tin rằng N đã được sinh ra và lớn lên trong một môi trường thật nhân văn. Không hiểu sao tôi cứ hình dung cậu sống trong một ngôi nhà ấm áp, gần gũi với tự nhiên và bố mẹ cậu hẳn là những người thật nhân hậu và yêu đời.

Đã nhiều lần tôi tham gia các công tác từ thiện, cả ở Việt Nam lẫn ở Úc và tôi đã thấy có nhiều cách để người ta trao tặng, ban phát vật chất hay tình cảm cho người khác. Trước kia, trong một số lần tham gia các buổi từ thiện, tôi sợ nhất là những bài diễn văn xúc động dài lê thê. Dù ở tư cách người cho hay người nhận, tôi thấy đều có chút cảm giác gì đó không thoải mái. Đặc biệt là từ phía người nhận, hình như họ có chút mặc cảm bởi bên cạnh món quà đôi khi còn kèm theo chút thương hại (điều mà ai ở trong bất kì cảnh ngộ bất hạnh nào cũng không mong muốn được/ bị nhận). Ở Úc, thường thì các buổi quyên góp gũy từ thiện được tổ chức dưới nhiều hình thức, chủ yếu là như hội hè, một buổi bán hàng ở các trung tâm thương mại hay hội chợ, hay dạ hội trivia night với các trò chơi hấp dẫn... mọi người đến đó, chỉ nghe một lời tuyên bố ngắn gọn rằng toàn bộ số tiền đêm nay góp được sẽ gửi cho đối tượng nào, và sau đó tham gia tiệc tùng, trò chơi... Rất nhẹ nhàng, vui vẻ mà hiệu quả. Tôi đã từng tham gia một vài đêm hội gây quỹ như thế, một đêm tiệc vui vẻ, từ các trò chơi gom từng đồng xu lẻ đến trò đấu giá đắt tiền, tất tần tật cũng đủ tài trợ cho một ngôi trường khuyết tật trong vòng khoảng một học kì. Và mới đây nhất, trong đêm hội dành cho người khuyết tật vào tháng 12 vừa rồi, tôi đã chứng kiến cả một hội trường rộn rã tiếng cười. Trên sâu khấu, từ trẻ đến già, mọi người cùng nhau nhảy múa theo những điệu nhạc sôi động, phía dưới hội trường bố mẹ, bạn bè, thầy cô và tất cả những người tham dự cũng lắc lư hò hét cổ vũ hết mình. Một đêm hội thật đúng nghĩa. Nó không dàn cảnh hoàn hảo, không tuyên ngôn lê thê, chỉ hát, và múa, và nhảy, và vui. Dù cuộc đời còn nhiều chông gai trước mắt, trong đêm hội ấy, họ được sống một cảm giác thực sự vui vẻ NHƯ NHỮNG NGƯỜI BÌNH THƯỜNG. BẢN THÂN KHUYẾT TẬT HAY LÀ CHA MẸ CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT, tất cả những điều đó không thể nào cản trở họ trở thành những người sống hạnh phúc và ý nghĩa. Họ cần sự quan tâm, sự chia sẻ đúng lúc và đúng mức hơn là một thái độ ban ơn hay thương hại từ cộng đồng. Và ranh giới đó, đôi lúc, thật mong manh làm sao! Càng ngẫm tôi càng hiểu vì sao người nhóm trưởng của tôi đã từng nói rằng bao nhiêu năm làm việc trong lĩnh vực này, cô sợ những người "over sympathetic" (thương cảm thái quá) hơn là những người "emotionless" (vô cảm).

Trở lại câu chuyện về những cậu bé, tôi nghĩ có thể điều làm cho W cảm thấy thoải mái và hứng khởi chơi bóng đấy chính là do cái cách mà N đã khởi động tình bạn với cậu. N đã không nhìn W như một đứa trẻ khuyết tật mà là một người bạn. Và có phải sự bình đẳng, tôn trọng ấy đã khuyến khích W vào một cuộc chơi vui vẻ, có phải một đứa trẻ khuyết tật cần được cảm thông và thấu hiểu về những khó khăn, nhưng bên cạnh đó cũng cần được đối xử một cách bình thường như MỘT CON NGƯỜI?

Và với N, tôi sẽ vẫn còn nhớ mãi nụ cười trong sáng của em. Em đã làm một việc tốt mà không nghĩ rằng mình đang làm việc tốt, em đã sống tốt một cách thật tự nhiên như hít thở khí trời. Em đã không nghĩ rằng mình ban phát niềm vui cho người khác mà nghĩ rằng mình đã tìm kiếm được niềm vui từ họ. Tôi đã được nghe kể những câu chuyện về những người giàu có khi mất đi để lại toàn bộ gia sản cho các tổ chức từ thiện và tôi vô cùng khâm phục họ. Nhưng tôi còn xúc động hơn khi có những con người sống giản dị, yêu thương chan hòa với những người xung quanh. Và tôi vẫn tin trong cuộc đời này còn rất nhiều người như vậy. Họ có thể, là một người lặng lẽ dắt một người già qua đường, là một người mua cái bánh mỳ nóng cho một người vô gia cư trong đêm, hoặc cũng có thể, là một người bạn đang nói chuyện với một người bạn, lắng nghe, thấu hiểu và không bao giờ phán xét.

No comments:

Post a Comment